4 ĐIỀU GIÚP MẸ NUÔI CON NHÀN HƠN

Nuôi dạy và chăm sóc trẻ là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi bố mẹ liên tục học hỏi nhiều kiến thức, học các kỹ năng quan sát, lắng nghe và thấu hiểu con mình. Có 4 điều dưới đây, sẽ giúp ích cho bố mẹ trong hành trình nuôi con, giúp bố mẹ nuôi con nhàn hơn.

1. Không cần quá lo lắng con sẽ bị đói

Nhiều ông bà, cha mẹ khi thấy con không muốn ăn nữa thì cố làm trò, cho trẻ rong chơi, hay cho xem điện thoại – TV, thậm chí là la mắng, quát tháo, ép con ăn vì lo con bị đói. Việc này không chỉ khiến người lớn thêm vất vả, bực dọc mà còn làm cho trẻ biếng ăn hơn. Vì mỗi bữa ăn đều mang không khí áp lực khiến con cảm thấy vừa sợ hãi vừa chán ghét thì tâm lí đâu mà muốn ăn nữa.

Thể trạng và khả năng hấp thụ của mỗi trẻ đều khác nhau. Mức ăn mỗi ngày của con cũng khác nhau tùy thuộc vào sức khỏe, tâm trạng, hay khẩu vị… của trẻ. Yên tâm là trẻ tự biết no đói. Thực tế, từ lúc mới sinh ra, bé đã biết khi đói thì phải khóc to lên thì mới được cho bú mà.

KHÔNG một đứa trẻ nào để nó đói đến ngất đi cả.

Muốn con thích thú với bữa ăn, ăn ngon miệng thì bố mẹ cứ kiên trì tuân theo lịch ăn khoa học, nếu con đã thấy no hoặc không muốn ăn nữa, bố mẹ nên dừng lại. Khi trẻ đói, tức khắc con sẽ đòi ăn thôi.

2. Hãy để trẻ “được” ốm

Nuôi con, sợ nhất là con ốm. Nhưng chính vì thế mà nhiều mẹ thường có xu hướng bao bọc con quá đà, không cho trẻ làm cái này, nghịch cái kia để luôn giữ con sạch sẽ, không bị nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, trẻ ốm sốt là chuyện bình thường không thể tránh khỏi. Hệ miễn dịch của trẻ cần có cơ hội được tập rượt. Có thể thấy những bé mà bố mẹ chăm quá kĩ, chỉ cho ở trong nhà, sợ con nghịch đất cát, nhìn đâu cũng sợ vi khuẩn, thì bé thường có thể chất yếu hơn, hay ố.m hơn các bé chạy nhảy bên ngoài. 

 

Nguyên nhân có thể hiểu đơn giản rằng hệ miễn dịch của trẻ cũng như những chiến binh bảo vệ cơ thể, cần được đào tạo qua các cuộc chiến nho nhỏ: trẻ phải được chơi đùa tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trẻ có thể bệnh rồi khỏi, đây chính là quá trình tự nhiên bình thường, hệ miễn dịch của trẻ đang tập rượt thích nghi. Qua thời gian, hệ miễn dịch khỏe hơn, lúc đó trẻ tự khắc hết bệnh.

 

Thế nên, trong giai đoạn phát triển của trẻ , hãy để con được tiếp xúc với mọi người, với môi trường xung quanh… không nên cấm đoán trẻ quá nhiều. Điều quan trọng là bố mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để biết cách chăm sóc khi trẻ ốm, giúp con mau khỏi, đồng thời chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp con có được sự phát triển toàn diện nhất. Ngoài ra hướng dẫn trẻ cách chơi an toàn, hạn chế hoặc không tiếp xúc với những vật dụng nguy hiểm như nguồn điện, hồ nước…

3. Không làm hộ con

Với trẻ mọi thứ đều là bước đầu tiên học hỏi, con có thể chậm chạp lúc thay đồ, rửa tay chân chưa được sạch, ăn uống rơi vãi xung quanh,…Nhưng bố mẹ không thể vì thế mà lúc nào cũng làm hộ con. Kiên nhẫn với con một chút, từ từ rồi con cũng sẽ học được.

 

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường rất tò mò, muốn tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Những việc vặt, không nguy hiểm, không quá sức với con thì hãy để cho trẻ làm. Có như vậy con mới rèn được tính tự lập, chủ động, không dựa dẫm vào cha mẹ hoặc người lớn. Lớn lên, con sẽ tự tin, mạnh mẽ, chủ động trong mọi quyết định của mình.

4. Đừng quá cứng nhắc với con

Bố mẹ đừng lấn át hết quan điểm, suy nghĩ của con chỉ vì nghĩ chúng là trẻ con, còn mình là cha mẹ. Đôi khi cần thả lỏng một chút, đừng quá cứng nhắc.

Ví dụ khi nhìn thấy con đang leo cầu thang cao hoặc chạy nhanh trong sân chơi nhìn có vẻ nguy hiểm.. Điều bố mẹ nên làm lúc này là quan sát, đảm bảo bảo con mình được an toàn và động viên “Mẹ biết con làm được nhưng hãy cẩn thận nhé!” (Nếu trẻ ngã, bố mẹ có thể đỡ trẻ và động viên trẻ tiếp tục).

 

Sẽ có những trường hợp không thể thỏa hiệp với con, nhất là những hành động đó của con là sai hoặc phá vỡ giới hạn cho phép. Ví dụ như 10 giờ con phải lên giường đi ngủ nhưng đến 10 giờ 20 trẻ vẫn đang ngồi xem TV. Lúc này, bố mẹ cần tỏ rõ thái độ nghiêm khắc, dứt khoát tắt TV và yêu cầu con phải lên giường đi ngủ.