16 năm ròng vợ chồng chị Nga cùng nhau trị hiếm muộn, vừa có con 10 tháng chị phát hiện ung thư vú. Cố gạt đi nước mắt, chồng chị lo toan mọi việc và luôn ở bên nắm tay để chị yên tâm điều trị.
Kết hôn 22 năm, nhiều lần ông Nguyễn Viết Sơn (51 tuổi) phải gồng mình gạt đi nước mắt để là chỗ dựa vững chắc cho người vợ vừa trị hiếm muộn lại bị ung thư. Ông khóc không phải vì mệt mỏi, cũng không phải vì bao nỗi lo toan mình đang phải gánh gồng, mà là vì “cám cảnh” cuộc đời.
Sau giông bão…
Năm 29 tuổi, ông Sơn (quê Hà Nam) kết hôn cùng bà Lê Thị Nga (quê Hà Tĩnh), cả hai cùng sinh sống và làm việc tại TP.HCM. 3 năm sau đám cưới, chờ mãi không thấy tin vui, hai vợ chồng đưa nhau đi khám rồi bắt đầu điều trị hiếm muộn. Ông Sơn điều trị ở Bệnh viện Bình Dân, bà Nga thì ở Bệnh viện Từ Dũ.
16 năm ròng, hai vợ chồng đi đi về về không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần vào Từ Dũ hay đi ngoài đường nhìn thấy những đứa trẻ, khát khao có đứa con ẵm bồng của ông bà lại càng cháy bỏng hơn.
Tháng 5.2013, bà Nga phải phẫu thuật cắt bỏ u nang buồng trứng, tháng 8.2013, bác sĩ khám khuyên bà nên bỏ điều trị vì trứng đã lép hết, khả năng thụ thai rất khó.
“Ngày nhận tin, vợ chồng tôi đứng ôm nhau khóc ở sân Bệnh viện Từ Dũ. Tôi nghĩ chắc trời bắt tội mình nên không cho mình có con. Tuyệt vọng nhưng rồi vẫn phải cố mà lạc quan để động viên vợ rằng thôi hai vợ chồng cứ sống có nhau là được”, ông Sơn kể.
Bà Nga cũng bộc bạch: “Suốt 16 năm chờ con, nếu không phải là anh thì tôi không biết tôi sẽ vượt qua thế nào. Anh chưa bao giờ to tiếng, mà luôn lặng lẽ ở bên tôi mọi lúc, cùng nhau đi khám, đi điều trị cũng chưa một lần nào than mệt mỏi. Nhiều lần chứng kiến anh say mê nhìn ngắm những đứa trẻ nô đùa, lòng tôi quặn lại. Tôi biết anh đang thèm con lắm…”. Kể đến đây, giọng bà nghẹn lại khi bao cảm xúc ùa về.
Bẵng đi một thời gian, bà Nga thấy trong người thay đổi, que thử lên 2 vạch, vợ chồng dắt nhau đến phòng khám, bác sĩ báo thai được 6 tuần. Bước ra khỏi phòng siêu âm, nước mắt bà Nga lưng tròng, vừa mừng vừa lo. Mừng vì điều mong mỏi 16 năm của vợ chồng bất ngờ thành hiện thực, lo vì tim thai đập yếu, bác sĩ cho thuốc và yêu cầu theo dõi thêm 1 tuần.
Ông Sơn nhớ lại: “Cảm xúc lúc đó tôi không biết dùng từ nào để diễn tả. Vui mừng hạnh phúc vô cùng, nhưng cuộc đời như lại thử thách vợ chồng tôi. Trong 1 tuần đó, vợ chồng tôi không dám ngủ vì sợ ngủ con sẽ đi mất, cũng không dám báo với ai vì sợ niềm vui chưa trọn vẹn”.
Khi thai kỳ ổn định, vợ chồng ông mới báo tin với hai bên gia đình và nhận được nhiều lời chúc mừng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì một thử thách mới lại xuất hiện, con trai vừa tròn 10 tháng, bà Nga phát hiện ung thư vú giai đoạn 2.
…là bình yên
Bà Nga kể lại, khi sờ thấy ngực có một cục u, lại đang thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bà chỉ nghĩ đơn giản đó là tắc tia sữa nên dùng khăn ấm để chườm. Được vài hôm, cục u to hơn, chồng đưa bà đi khám.
Bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu nói chưa có kết quả sinh thiết nhưng 100% là ung thư. Rời phòng khám về nhà, mưa ròng rã, hai ông bà mạnh ai nấy khóc, không ai nói với ai câu nào. Bao nhiêu suy nghĩ bộn bề cứ vậy hiện lên trong suy nghĩ của từng người.
Vậy mà vừa đến nhà, ông Sơn đã gạt phăng nước mắt, động viên vợ: “Giờ bệnh thì chữa trị thôi, ung thư này không quá nguy hiểm”. Dù nói vậy nhưng lòng ông cứ quặn thắt lại khi hình ảnh con trai 10 tháng tuổi hiện ra trước mắt.
Ông Sơn tâm sự: “Khi đó tôi chỉ nghĩ cuộc đời sao cứ mãi nghiệt ngã với vợ chồng mình, thử thách 16 năm chờ con chưa đủ hay sao mà giờ lại thêm căn bệnh này. Lỡ mà có mệnh hệ gì thì tội nghiệp cả vợ và đứa con còn chưa tròn 1 tuổi”.
Bắt đầu quá trình điều trị, ông gửi con cho người họ hàng để vào viện chăm vợ. Bà Nga kể: “Trước khi vô thuốc, anh đưa tôi đi cắt tóc ngắn, mà vô thuốc rồi vẫn bị rụng quá nên anh đưa tôi đi cạo đầu. Giai đoạn này anh vừa đi làm, vừa chăm tôi, vừa lo cơm nước, lo toan cho con nữa. Tôi vẫn luôn cảm ơn cuộc đời vì có anh đồng hành. Ngoài ra, gia đình hai bên nội ngoại cũng hỗ trợ rất nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần”.
Đây cũng là khoảng thời gian ông Sơn nhiều lần ngồi khóc một mình vì thương vợ, thương con, thương cho gia đình nhỏ bé của mình. Ông nói cảm giác người đàn ông phải kìm nén quá nhiều cảm xúc thật chẳng dễ dàng gì, “nhưng vợ mình, con mình mà, mình không lo thì ai lo”.
Sau 5 năm điều trị ung thư, sức khỏe bà Nga tiến triển theo chiều hướng tốt hơn và quay trở lại với công việc. Ông Sơn vẫn sắp xếp để giữ thói quen đón đưa vợ, lo việc gia đình và chăm sóc con mỗi ngày. Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng ông khiến những người xung quanh đều ngưỡng mộ.
Nói về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, ông Sơn cười ngại ngùng: “Gia đình nào cũng có sóng gió, lúc cãi nhau thì chồng nhịn vợ một tiếng là đâu lại vào đó, vợ mình chứ ai đâu mà tính thiệt hơn, vợ tôi lại ung thư, tinh thần là quan trọng nhất. Hơn nữa là đồng cảm và cùng quan điểm với nhau thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua được”.