Trẻ tiêm phòng bị sốt có đáng lo ngại không và xử lý như nào

Tiêm vacxin tức là đưa một “chất lạ” vào trong cơ thể. Vì thế, bất kỳ loại vacxin nào dù tốt đến đâu cũng sẽ có một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Mỗi cá thể có phản ứng với vacxin ở các mức độ khác nhau.  Trẻ tiêm phòng bị sốt có đáng lo ngại không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Tiêm phòng bị sốt
Trẻ tiêm phòng bị sốt có đáng lo?

Những vacxin nào có thể gây sốt?

Vì sức đề kháng của trẻ còn rất yếu, khi tiêm bất cứ loại vacxin nào cũng có thể gặp phản ứng phụ như sốt, sưng đau, quấy khóc… Sốt là một phản ứng tự nhiên rất thường gặp sau khi tiêm phòng, tùy vào từng thể trạng khác nhau, mỗi bé sẽ có một biểu hiện sốt khác nhau. Thông thường, các bé sau khi tiêm các vacxin sống dễ sốt hơn như: mũi 5 trong 1, mũi 6 trong 1, vacxin thủy đậu, vacxin sởi,….trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị sốt nhẹ khoảng 38 – 38.5 độ kèm quấy khóc, ăn uống kém. 

Vì sao trẻ tiêm phòng bị sốt?

Phản ứng sau tiêm vacxin là chuyện mà bất kỳ người mẹ nào cũng quan tâm, trên các diễn đàn lớn về chăm con, một ngày có hàng chục bài đăng hỏi ý kiến “Con của các mẹ đi tiêm phòng về có sốt không?” hay “Em tính cho con đi tiêm mà sợ con sốt quá ạ”.

Bé tiêm phòng bị sốt là phản ứng rất bình thường của cơ thể cho biết hệ miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vacxin. Vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng vì việc con sốt hay không sốt sau chích ngừa không quyết định hiệu quả của vắc xin.

Cách xử lý khi trẻ tiêm phòng bị sốt?

Sau tiêm, cần theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm, thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường như khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, vết tiêm có quầng đỏ lan rộng, nổi ban.

Sau đó, cha mẹ tiếp tục theo dõi con tại nhà 1-2 ngày, để ý về tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm sưng, đỏ. Không nên cho trẻ bú, ăn khi nằm, bởi bé đang mệt khi bú nằm rất dễ bị sặc sữa.

Nhiều bố mẹ khi thấy con sốt đã lo lắng cho con uống thuốc hạ sốt. Thường dùng paracetamol liều 10 -15 mg/kg, 6 giờ/lần, liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày.

Ví dụ trẻ 12 tháng nặng 10 kg, dùng hạ sốt hàm lượng 100-150mg/lần cho trẻ. Ngày dùng 3-4 lần tùy vào nhiệt độ của con. Mẹ không nên cho bé uống ibuprofen để hạ sốt, chỉ nên dùng khi có chỉ định bác sĩ.

Trong trường hợp thấy con sốt nhẹ, bố mẹ nên:

tre-bi-sot-khi-dio-tiem-phong.png

  • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
  • Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo thoải mái, rộng rãi.
  • Không nên ủ ấm quá mức, không đắp chăn, đội nón khi trẻ đang sốt.
  • Dùng khăn ấm lau người cho con, lau kỹ ở phần bẹn, nách, bàn tay, bàn chân. Tuyệt đối không được dùng nước lạnh hay nước đá để lau, rửa cho trẻ.
  • Tăng cường cho con bú mẹ, bổ sung nước nhiều hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất.
  • Trẻ ăn dặm nên cho con ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa.
  • Không nên kiêng tắm cho con. Tắm bằng nước ấm cũng là cách giúp con hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải tắm thật nhanh và nhiệt độ nước không thấp hơn nhiệt độ cơ thể quá 2 độ.

Có nên đắp khoai tây vào chỗ tiêm?

Nhiều mẹ truyền tai nhau một số mẹo nhỏ dân gian có thể giúp con giảm đau và hạ sốt như đắp khoai tây, đắp chanh… Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha: “Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, chưa có công trình nghiên cứu nào công nhận. Việc sử dụng các phương pháp này không làm cho trẻ bớt đau mà thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng, khiến cho vết thương thêm đau và sưng nhiều hơn”.

Trẻ tiêm phòng bị sốt kèm dấu hiệu bất thường đưa đến bệnh viện ngay

Theo Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục trên 38.5 độ kèm với các biểu hiện sau bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để kiểm tra:

  • Sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.
  • Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lờ đờ…
  • Khó thở, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch.
  • Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú.
  • Co giật.
  • Phát ban.
  • Trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe khiến cha mẹ lo lắng.

“Khi quan sát thấy con có dấu hiệu kích thích, lờ đờ, cha mẹ cần đưa đi viện ngay. Khi da bé nổi vân tím, chi lạnh mới đưa vào viện thì đã muộn”, tiến sĩ Điển nói.

Mẹ nên đưa con tới cơ sở tiêm chủng uy tín

Để hạn chế những dấu hiệu bất thường xảy ra khi tiêm phòng cho trẻ, mẹ nên đưa trẻ tới những cơ sở tiêm chủng uy tín. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp, mẹ sẽ yên tâm về tình trạng sức khỏe của con.

Sốt là phản ứng bình thường sau khi tiêm phòng. Tỉ lệ các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm là rất hiếm xảy ra. Vì thế mẹ không cần quá lo lắng khi trẻ tiêm phòng bị sốt. 

Nguồn: Tổng hợp

Xem thêm: Có nên tiêm vắc-xin sớm hơn lịch tiêm chủng?

Sự thật về tiêm vắc-xin uốn ván – Tiêm uốn ván khi nào thì tốt nhất?

Làm thế nào để tăng cường sức đề kháng cho bé khi đi nhà trẻ?